Tiếp tục bị cầm chân Trận_Đà_Nẵng_(1859-1860)

Ở mặt trận Đà Nẵng, từ khi Phó Đô đốc De Genouilly kéo đại quân vào tấn công Gia Định, với số quân còn lại trên dưới một ngàn người, Đại tá Faucon, người được giao lại quyền, cũng đã tổ chức được hai cuộc tấn công quân Việt:

  • Ngày 6 tháng 2 năm 1859, tức sau ngày De Genouilly rời Đà Nẵng được mấy hôm, Đại tá Faucon dẫn quân đi đánh đồn Hải Châu nhưng đã bị Thị vệ Hồ Oai cùng tướng Tôn Thất Thi và Nguyễn Nghĩa đẩy lùi, bắn chìm ba giang thuyền của liên quân. Ngay hôm sau, Faucon dẫn thêm quân trở lại đánh với cường độ dữ dội hơn. Hiệp quản Trần Trinh Lương và Lê Văn Da đều tử trận. Đô đốc Tống Phước Minh không giữ nổi đồn Hải Châu buộc phải lui quân về giữ đồn Phước Ninh. Sau nhờ Tham tán Nguyễn Duy đem quân chi viện mới đánh lui được đối phương, thu hồi được đồn Hải Châu nhưng quân Việt phải thiệt mạng nhiều.
  • Đến tháng 3 năm 1859, Đại tá Faucon mở cuộc tấn công mới vào đồn Hải Châu và Thạc Gián. Nhờ các tướng là Đào Trí, Tôn Thất Hàm, Phạm Gia Vịnh ra sức chống ngăn nên giữ được.

Theo sách Lịch sử Việt Nam (1858 - cuối thế kỷ 19), thì trong khoảng thời gian đó "đại quân của tướng Nguyễn Tri Phương vẫn cứ án binh bất động" trước một đạo quân xâm lược ít hơn, đang bị cô lập, bị dịch bệnh; thuốc men, lương thực đều thiếu... và đang kêu cứu.[2]

Hiểu tình cảnh đó, nên sau khi chiếm được và cho san bằng thành Gia Định, tướng De Genouilly chỉ để lại ba trung đội cùng bốn tàu chiến đóng ở ụ Hữu Bình (tức Xóm Chiếu), giao cho Đại tá Hải quân Jauréguibery quyền chỉ huy, còn mình thì kéo 3.000 quân (trong số đó có khoảng 1.000 quân Tây Ban Nha) trở ra Đà Nẵng ứng cứu cho số quân đang bị hao mòn ở đấy.